Bạo lực trong gia đình
Bạo lực trong gia đình không phải là vấn đề riêng của bất cứ một gia đình nào. Hiện tượng đó là một vấn đề rất phức tạp chung của toàn xã hội. Bạo lực trong gia đình chủ yếu xảy ra dưới hình thức đàn ông đánh đàn bà, thường trong bốn bức tường "nhà của mình" mà nạn nhân cứ tưởng đâu là nơi an toàn nhất. Tội phạm là những người "đàn ông rất bình thường", những người chồng, người bạn đời, người bố hay có khi là người hàng xóm tốt bụng ở nhà bên cạnh?
Để phục vụ cho một dự án nghiên cứu tiêu biểu có tên là "Đời sống, an ninh và sức khoẻ của phụ nữ Đức" (2004), theo yêu cầu thực hiện của Bộ Gia đình, Người hưu trí, Phụ nữ và Thanh niên Liên bang, người ta đã phỏng vấn hơn 10 000 chị em ở các lứa tuổi từ 16 đến 85 về kinh nghiệm của bản thân họ với vấn đề bạo lực. Kết quả của các cuộc phỏng vấn này cho thấy trong đời họ, phụ nữ ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp và mọi quần thể dân tộc đều đã từng là nạn nhân của bạo lực ở mức độ lớn đáng kể. Trong đó bạo lực với giới phụ nữ chủ yếu thường đến từ phía đàn ông, chủ yếu là từ người chồng hay bạn đời mà họ cùng chung sống.
37 phần trăm tất cả phụ nữ sống ở Đức ở lứa tuổi giữa 16 và 85 ít nhất đã một lần là nạn nhân của sự đánh đập hay cưỡng bức. Một phần bảy phụ nữ ở Đức đã từng bị cưỡng ép tình dục sau 16 tuổi ở mức độ nặng đến mức có thể đưa ra truy cứu hình sự. Một phần tư chị em đã từng bị chồng hay bạn trai đánh đập, nguy hiểm này thường hay xảy ra với chị em nhất là trong giai đoạn chuẩn bị chia tay nhau. Trong một số trường hợp, đàn ông cũng là nạn nhân của bạo lực trong gia đình. Cũng tương tự như những nạn nhân là phụ nữ, những người đàn ông này cũng có thể tìm sự giúp đỡ ở các cơ sở can thiệp.
Đối với nạn nhân của bạo lực, thông thường họ chỉ có thể tìm được sự giúp đỡ từ bên ngoài thì may ra mới thay đổi được tình thế. Sự gây áp lực, hình thức đe dọa và cô lập một cách có hệ thống khiến cho nạn nhân cảm thấy mình không còn lối thoát. Cảm giác bất lực, xấu hổ, lỗi lầm và sợ hãi thường là mối trở ngại khiến cho nạn nhân không dám công khai đưa sự việc đã xảy ra. Bước tiến đi đến với sự chia tay thường gắn liền với nhiều yếu tố không lường trước được và có không ít những trường hợp, nó còn gắn liền với nguy cơ dẫn đến hoàn cảnh túng thiếu mà nhiều nạn nhân ở trong bối cảnh nguy cập như vậy, họ nghĩ là sức khoẻ và tinh thần của họ không thể để họ kham nổi một mình. Chính vì vậy mà nhiều lúc, họ cam chịu tình trạng áp bức đánh đập như vậy từ năm này sang năm khác.
Với phụ nữ có con, chị em rất hoang mang về quyền lợi của mình khi phải chia tay, đến việc lấy gì nuôi con và quyền được thăm nom con cái chung và gắn liền vào đó là nỗi lo sợ mình có thể lại bị đánh đập tiếp. Sức ép bạo lực triền miên từ năm này sang năm khác để lại cho nạn nhân nhiều hậu quả về sức khoẻ, thế nhưng chủ yếu là về mặt tinh thần. Cảm giác tự thấy mình yếu kém, mất đi sự tự tin của chính bản thân về những khả năng có thể thay đổi được thường hay dẫn họ đến sự bất lực và kiệt sức, khiến họ không thể tự mình tìm đến những cơ sở cứu giúp được nữa.
Trẻ em bao giờ cũng cùng là nạn nhân của bạo lực trong gia đình. Kể cả trong những trường hợp mà bản thân các cháu không phải là nạn nân chính mà “chỉ là” nhân chứng của những cảnh bạo lực giữa bố và mẹ, việc chứng kiến các hành động bạo lực cũng tạo nên một tình huống quá sức chịu đựng cho các cháu với nhiều hậu quả nặng nề. Điều đó có nghĩa: Trẻ em cũng là nạn nhân của bạo lực trong gia đình, kể cả khi các cháu không phải là nạn nhân trực tiếp của những vụ bạo lực đó. Nhiều hơn là chúng ta nghĩ, trẻ em bao giờ cũng đồng thời là nạn nhân trực tiếp khi xảy ra bạo lực trong gia đình: Khi người mẹ bị đánh đập thì bao giờ cũng là một hiện tượng tiêu biểu nhất để xác định trẻ em bị đánh đập (Kavemann 2006).
Stalking (Nạn chọc ghẹo)
Stalking (Nạn chọc ghẹo) là một hành vi phạm pháp. Dưới khái niệm này, người ta có thể hiểu những thể loại hành động rất đa dạng của một người đối với người khác, ví dụ như:
- liên tục tìm cách liên lạc với một người mà người đó không muốn, ví dụ như tìm cách bắt chuyện, gọi điện đến, gửi thư từ v.v…
- gửi quà cáp đến cho ai đó mà người ấy không muốn nhận
- đặt mua hàng bằng tên người khác mặc dầu không được người đó cho phép
- chửi bới, dọa nạt cho đến tấn công gây sây sát cơ thể v.v…
Những hành động nói trên không hề có dính líu gì đến chuyện thương yêu cả mà đối với người chọc ghẹo (Stalker/Stalkerin), chỉ muốn chứng tỏ uy quyền của chính bản thân, gây ảnh hưởng của mình với nạn nhân và kiểm soát cuộc sống của nạn nhân mà thôi.